Cá Lia thia Xiêm – Betta Siamese

Nói đến con cá Lia thia ta, không thể không đề cập đến con cá Lia thia Xiêm, một giống cá đá lớn con, mạnh mẽ, giống này không phải của nước mình, nhưng được du nhập vào từ lâu, ít ra cũng cả trăm năm nay.

Cá Lia thia Xiêm, được gọi tắt là cá Xiêm, xuất xứ tại Thái Lan, được người mình tuyển về nuôi để đá độ. Nhiều người cho lai giống với Lia thia ta để tạo ra giống cá lai, còn dữ dằn hơn cả cá chính gốc.

Cũng như nuôi gà nòi đá độ, người mình đã từng nhập về những giống gà đá nổi tiếng của các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Mã Lai, Indenesia, Campuchia… về cho lai với giống gà nòi của mình để tạo ra những giống gà lai đặc biệt hăng hơn, dữ đòn hơn. Thì nuôi cá đá cũng vậy, người ta chọn cá Xiêm là loại dữ dằn về lai tạo với giống cá của mình, để được giống cá đá nhỏ con hơn cho dễ “cáp chạn” mà lại dữ dằn hơn cá bản xứ của mình.

Xem thêm: Những loài cá thích hợp nuôi chung với Betta

Trên thị trường hiện nay, ta thấy có hai loại cá Xiêm: là Xiêm rặt giống và cá Xiêm lai.

“Xiêm rặt giống” có đến bốn loại, mà loại nào cũng to con, có con to gấp hai lần con cá Lia thia ta của mình. Dĩ nhiên, cá Lia thia ta dù dữ cũng không tài nào đương cự nổi với cá Lia thia Xiêm rặt giống. Thả chung hai giống này vào keo, thì chẳng khác nào gà nồi đứng cạnh gà tre vậy. Cá Xiêm chỉ cắn vài miếng là Lia thia ta đã vội chạy te, vớt ra không kịp!

Bốn loại “Xiêm rặt” là:

  • Cá Xiêm đỏ: mình có màu xanh biếc, nhưng phần kỳ và đuôi đỏ như cá Lia thia ta. Cá Xiêm đỏ đuôi to tròn, nhưng không dài bằng cá Lia thia ta. Khi nó phùng mang đủ biết là điệu bộ rất mạnh mẽ, nhưng màu sắc và sự uyển chuyển thì thua cá Lia thia ta.
  • Cá Xiêm xanh: Cá Xiêm xanh thì thân mình cùng kỳ và đuôi đều có màu xanh biếc. Giống này thân mình to hơn cá Xiêm đỏ, lại lẹ mắt, lẹ miệng, ra đòn đích đáng. Vì có hàm răng bén nên nó cắn miếng nào đích đáng miếng nấy khiến kẻ thù hễ trúng đòn là xính vính. Nhưng giống này có yếu điểm là không bền sức bằng cá Xiêm đỏ.
  • Cá Xiêm đen: Cá Xiêm đen thân mình nhỏ hơn hai loại đỏ và xanh, toàn thân đen như mun, vừa đá hay vừa nhặm lẹ, nhưng vì màu sắc tối ám nên ít người nuôi. Cá Xiêm đen càng ngày càng hiếm, ít thấy bày bán trên thị trường.
  • Cá Xiêm trắng: Con cá Xiêm trắng trong thật “vô duyên” toàn thân màu trắng phớt hồng như con cá mè, đá cũng dở nên ít có người nuôi. Trước đây, người ta nuôi là chỉ để sưu tập cho đủ bộ. Giống này chắc bị tuyệt chủng, vì không thấy bán.

Tóm lại, trong bốn giống cá Xiêm rặt như trên, người ta chỉ thích nuôi cá Xiêm đỏ và xanh, vì chúng có những ưu điểm dùng để đá độ.

Thường thì dân nuôi cá đá thích cho hai loại này lai giống vói nhau để tạo ra một giống mới: trống đỏ mái xanh, hoặc trống xanh mái đỏ.

Nhưng thường thì giống mái Xiêm dữ hơn. Xiêm đỏ thì bền sức nhưng lại cắn dở. Còn Xiêm xanh bở sức nhưng lại cắn hay. Vì vậy, nếu cáp mái Xiêm xanh với trống Xiêm đỏ, hy vọng rằng bầy con sinh ra sẽ thừa hưởng được những tính tốt của cả cá cha lẫn cá mẹ là vừa cắn hay lại vừa dai sức.

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, cũng như gà nòi, dù mái hay trống tốt đến mức nào đi nữa, thì bầy con của chúng, không phải con nào cũng xuất sắc cả đâu. Có điều là số con giỏi nhiều hơn số con dở. Ta cần phải khổ công chọn lựa cẩn thận mới được.

Xem thêm: Sử dụng muối trong cá cảnh

Người nào tưởng cá cha tốt cá mẹ tốt thì tưởng chọn bầy con cùng tốt cả là lầm to. Do đó, gà nòi hay cá đá cũng vậy, người biết nuôi phải cố công chọn lựa nhiều lần, bằng cách cho đá thử nhiều lần, con nào thấy thiệt xuất sắc mới để lại, con nào dở thì loại bỏ đi, nuôi tiếp chỉ tốn công, tốn mồi vô ích.

Đó là một lý do chính đáng khiến người nuôi cá hay nuôi gà nòi chuyên nghiệp không bao giờ dám mua “hàng chợ”. Cái thứ người ta đã thải ra vì quá dở, mình rước về chỉ thêm nặng nợ mà thôi!

Thường thì người mình còn cho cá Lia thia trống ta lai với mái Xiêm để cho ra giống cá lai đá bạo dai sức. Cá lai này trông rất đẹp, lớn hơn cá cha, màu sắc đẹp hơn cá mẹ, đá bền hơn. Cá lai theo kiểu này người nuôi chuyên nghiệp nhìn qua là biết ngay.

Trên thị trường cá đá còn có một loại cá lai nữa, đá hay hơn tất cả, là cho cá Xiêm thật lai giống với Xiêm lai một đời, tức là trong đó có 25 phần trăm máu cá Lia thia ta, và 75 phần trăm máu cá Xiêm. Cá này nhìn sơ quá khó biết là lai hay không, nhưng nếu nhìn kỹ vào vi kỳ vảy thì biết được ngay giống cá lai này rất được những người nuôi cá đá chuyên nghiệp ưa chuộng, vì nó đá hay hơn loại cá Xiêm rặt giống.

Bài viết được trích từ sách “Thú chơi cá kiểng xưa và nay“, Việt Chương, 1994; trang 41 – 45.

Bài viết khác

Quá trình tiến hóa của thực vật thủy sinh

Quá trình tiến hóa của thực vật thủy sinh

Thực vật ban đầu sống dưới nước, về sau dần dần chuyển lên sống trên cạn và thoát ly khỏi môi trường nước, phát triển thành một quần thể thực vật phồn thịnh. Nhưng, còn một số thực vật vẫn sống dưới nước, đó chính là loài thủy sinh mà tôi đang nghiên cứu tại đây. Thực...

Kali trong hồ thủy sinh hoang dã

Kali trong hồ thủy sinh hoang dã

Bên cạnh Nitơ và Phốt pho, Kali là một trong ba yếu tố dinh dưỡng cốt lõi cho cây thủy sinh. Nó được hấp thụ dưới dạng cation Kali (K+) và là một trong ba thành tố quan trọng trong hồ thủy sinh hoang dã. Kali hoạt động như thế nào? Như một chất kích hoạt cho khoảng 60...

Bloodworms – Thức ăn bổ dưỡng dành cho cá cảnh

Bloodworms – Thức ăn bổ dưỡng dành cho cá cảnh

“Bloodworm” là một cái tên không rõ ràng, nhưng phổ biến vì thường được hiểu là một trong những lựa chọn thức ăn phổ biến dành cho cá cảnh. Mặt khác, khoa học đã phân loại hai loài Bloodworm chính: những loài thuộc họ Chironomidae và những loài thuộc chi Glycera....

Pin It on Pinterest

Share This