Cá ông tiên – Pterophyllum Scalare

Cá Ông Tiên là cá xuất phát từ Nam Mỹ, nhưng đã du nhập vào nước ta từ lâu. Cá có một thân mình thướt tha, uyển chuyển đẹp như tranh vẽ nhờ những vi kỳ mọc dài và to một cách thanh tú nên thời nào cũng được nhiều người ưa thích.

Chỉ cần một cái hồ kiếng nhỏ, người ta có thể nuôi vào đó vài cặp cá Ông Tiên. Và trong hồ chỉ cần vài cọng rong phất phơ theo làn nước rung động cũng tạo nên cảnh sắc nên thơ rồi.

Người nào đặt tên cho con cá có đuôi, vi, kỳ đều dài tha thướt, khi bơi thì chậm rãi, đĩnh đạc như không cần gấp gáp, như kẻ gác bỏ một bên những âu lo phiền toái của cuộc đời là con cá Ông Tiên kể ra cũng đáng phục. Cái tên thật rất xứng đáng với con cá.

Vì xưa nay khi nói đến Ông Tiên là người ta liên tưởng đến một nhân vật chỉ có trong thần thoại: đó là một tiên ông đạo cốt có tài thiên biến vạn hóa, tóc râu bạc trắng phất phơ dài đến rốn, mình lại mặc áo rộng thùng thình, dáng đi lúc nào cũng chậm rãi, mặt mày phúc hậu đáng được tôn kính.

Con cá Ông Tiên, như ta thấy đó, nó cũng xúng xính với đuôi dài và vi kỳ thướt tha, dưới ức lại mọc hai sợi râu dài thật là dài… dài còn “quá rốn” nữa! Cách bơi lội của cá cũng ung dung như kẻ vô lo, như người không màng đến công danh phú quí, chuyện đời ô trọc gác lại một bên… Kẻ đó là tiên rồi còn gì!

Nếu đem so sánh với kẻ đồng loại, như con cá Tai Tượng vừa dữ dằn vừa ăn tạp; con cá Chép miệng lúc nào cũng táp táp như kẻ tiểu nhân tục tử lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ăn; và bọn Lóc, Trê, cá đồng, cá biển… thì con cá Ông Tiên không xứng là bậc tiên thánh của chúng sao?

Chính vì con cá vừa đẹp vừa sang, vừa nhu mì ấy đã gây nên hình ảnh của sự vô lo, nhàn tản, nên mới được nhiều người ưa chuộng.

Nhìn vào bầy cá chậm rãi bơi lội, thần kinh ta tự nhiên dịu xuống tâm hồn sảng khoái lạ thường. Tự nhiên ta cảm thấy yêu đời hơn, ham sống hơn…

Chơi cá kiểng mà gặt hái được kết quả tốt đẹp như vậy thì còn đòi hỏi gì hơn? Và ai chơi cá kiểng lại không muốn nhờ đó mà di dưỡng tinh thần?

Cá Ông Tiên có hình dáng mười con y như một, chỉ có người thực sự chuyên môn may ra mới phân biệt được cá trống cá mái, nhưng có lẽ cũng không một ai dám đoan chắc đúng được một trăm phần trăm.

Người ta phải đợi đến mùa mưa, mùa giống cá này sinh sản, trống mái mới bắt cặp với nhau để xây tổ ấm, thì mới biết được đâu là cá mái đâu là cá trống.

Bây giờ quan sát cho lắm cũng chỉ biết được một sự khác biệt giữa trống và mái là: con cá mái có khoảng cách giữa vi bụng và vi hậu môn rộng hơn khoảng cách này ở cá trống một chút, trong một vài li mà thôi. Và chỉ có thể thôi.

Khi thấy cá Ông Tiên đã bắt đầu bắt cặp với nhau, người ta liền đặt vào hồ một chum rong dài, sao cho đầu cọng rong cách xa mặt nước hồ chừng một tấc.

Nếu không có sẵn rong thì dùng một cục gạch ống sạch sẽ dựng đứng ở đáy hồ, bên trên cục gạch đặt một cái dĩa nhỏ, hoặc tô, chén gì cũng được, miễn làm sao khoảng cách giữa dĩa và mặt nước hồ còn hơn một tấc để cá vô ra dễ dàng. Vì cái dĩa hay tô, chén đó là cái ổ của cá.

Thấy ổ thì cá trống cá mái bắt đầu việc sinh sản. Trước hết, chúng quấn quít bên nhau, sau đó cá trống tiết ra một chất nhờn lên rong (hay lên dĩa) và lát sau cá mái đẻ trứng trên chất nhờn đó.

Mỗi lứa cá đẻ trung bình chừng một ngàn trứng, trứng này bám vào chất nhờn. Nếu có trứng nào rớt ra thì cá trống liền siêng năng nhặt lên để lại ổ. Độ vài ngày sau là trứng nở.

Cá Ông Tiên con nở ra rất bé và yếu ớt.

Người ta nhận thấy rằng giống cá này tuy đẻ nhiều trứng, nhưng trứng lại nở không nhiều. Đã thế, cá mẹ lại chực ăn cá con, nên sự hao hụt lại càng nhiều. Vì vậy một lứa cá con thường thì không được bao nhiêu cả.

Cũng như con cá trống Lia Thia ta mình, cá trống Ông Tiên lúc nào cũng lẩn quẩn bên ổ trứng để canh chừng, cá mẹ lại gần trống cũng cương quyết hất ra, vì sợ cá mẹ ăn trứng.

Chính vì biết giống cá có tính xấu hay sát con như vậy, nên khi cá mái đẻ xong là người ta liền tìm cách: một là nhè nhẹ dùng vợt đưa cặp cá cha mẹ ra ngoài nuôi riêng, hai là dời ổ trứng sang một hồ khác.

Việc này kể ra cũng không mấy khó khăn. Chỉ cần đặt hồ vào nơi mát mẻ, nước hồ được bơm khí Oxy thường xuyên là chừng ba ngày sau ta sẽ được ổ cá con.

Cá con nở ra trong mấy hôm đầu vẫn sống lẩn quẩn ở ổ, chúng cứ bu vào chỗ có chất nhờn như cố bám víu lấy cái “nôi” của mình. Những ngày sau đó, cá không lớn hơn mới chịu bơi xa ổ để tìm cái ăn.

Đây là lúc ta có thể thả trứng nước và bo bo vào cho cá ăn.

Những ngày đầu ta chỉ cho cá ăn cầm chừng, vì nếu cho thức ăn quá nhiều, cá ăn không hết, sẽ làm dơ nước, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cá.

Khi cá được nửa tháng tuổi thì bơi lội đã nhanh, ta có thể cho cá ăn trùn chỉ. Trùn chỉ nên bỏ ở gốc hồ, cá sẽ tự động rủ nhau đến mà ăn.

Cá Ông Tiên thích ăn lăng quăng và bột trứng, loại biscotte của chim Yến hót, được pha chế bằng bột bánh mì khô trộn với tròng đỏ trứng gà, phơi thật khô rồi rây nhuyễn, cho cá ăn từ từ…

Nếu có mồi ăn đầy đủ thì độ một tháng tuổi cá đã lớn, vi kỳ đuôi đã dài, trong ra vẽ “Ông Tiên con” rồi. Nuôi độ hai tháng tuổi là có thể bắt ra bán được.

Trong thời gian nuôi cá con, ta phải bơm khí Oxy vào hồ để cá có đầy đủ dưỡng khí mà sống. Giống cá này coi vậy mà yếu, nếu nước hồ dơ bẩn là cá cũng có thể lăn ra chết. Vì vậy, nước hồ ra cũng nên thay luôn.

Với người sản xuất kinh doanh, tất nhiên là không ai chê loại cá này. Nó chỉ có mỗi một yếu điểm là đẻ thì sai nhưng lại nở không được nhiều như ý mình mong muốn. Mặt khác, cá mẹ lại thích ăn cá con, nên bầy con đã ít mà còn bị hao hụt.

Nhưng bù lại cá mẹ lại đẻ nhiều lứa trong năm, vì sau khi đẻ xong một lứa, nếu được bắt ra nuôi thúc, thì trong tháng sau cá mẹ lại đẻ tiếp lứa khác.

Một khi đã biết rõ đặc tính của cá, lại nắm được kỹ thuật chăn nuôi thì nghề nuôi cá Ông Tiên để kinh doanh vẫn có cơ hội phát đạt.

Điều cần là làm sao lai tạo được giống cá Ông Tiên to hơn, màu sắc phong phú hơn, như thêm màu vàng, hay đỏ chẳng hạn, thì chắc số người thích nuôi giống cá này sẽ tăng cao hơn. Như vài mươi năm trở về trước, chúng tôi thấy Ông Tiên chỉ có mỗi một màu đen, nhưng nay đã có người tạo ra được sắc trắng bạc, xem rất lạ. Đó là việc đáng khen, đáng khích lệ.

Trích từ sách “Thú chơi cá kiểng xưa và nay – Việt Chương – 1994”, tr 74 – 80. Mua sách tại Pevilshop.com.

Bài viết khác

Làm giàu dinh dưỡng cho chất nền trong hồ thủy sinh

Làm giàu dinh dưỡng cho chất nền trong hồ thủy sinh

Hồ thủy sinh là một môi trường khép kín và hạn hẹp, nhưng chúng ta luôn cầu chúng phải phát triển tốt nhất có thể thì ngoài cung cấp ánh sáng, CO2 cho quá trình quang hợp thì dinh dưỡng là thứ yếu cuối cùng. Để làm tăng dinh dưỡng cho lớp chất nền dành cho những loại...

Giới thiệu 9 loài Betta hoang dã

Giới thiệu 9 loài Betta hoang dã

Nếu tôi nói "Cá lia thia", bạn sẽ trả lời là "Cá Xiêm Đá", đúng chưa? Tôi đồng ý, vì cá Xiêm là loài cá mà hầu hết những người chơi thủy sinh đều biết và yêu thích. Tính hung hăng của chúng có thể là một rắc rối, nhưng màu sắc và cách chúng bảo vệ lãnh thổ của chúng...

Lưu huỳnh trong hồ thủy sinh

Lưu huỳnh trong hồ thủy sinh

Thực vật hấp thụ Lưu huỳnh dưới dạng icon Sunfat (SO42-). Đó là “trong số những thứ khác” cần thiết cho sự hình thành chất diệp lục, quang hợp, hô hấp, sử dụng Phốt phát và chất dinh dưỡng khác. Lưu huỳnh là một phần của axit amin Lưu huỳnh và đó cũng yếu cơ bản của...

Pin It on Pinterest

Share This