Rong cảnh (thực vật chìm trong nước) cũng gọi là cây có mạch bó sống trong nước. Để thích ứng với môi trường nước, trong quá trình tiến hóa, chúng biến hóa dần thành kết cấu thủy sinh có tính thứ sinh để quá trình quang hợp, hô hấp và trao đổi chất diễn ra dễ dàng hơn. Vì thế, cũng tương tự như thực vật sống trên cạn, chúng đã hình thành những đặc điểm riêng biệt.
Cơ quan khí khổng phát triển ở rong cảnh
Không khí ở trong nước và trong đất loãng hơn rất nhiều so với không khí trên mặt đất, để thích ứng với điều kiện môi trường không khí loãng trong nước, rong dựa vào cơ quan khí khổng phát triển mạng của bản thân làm cho không khí đi qua lỗ khí trên lá vào trong cơ thể, đi thẳng đến cơ quan đang sinh trưởng, đảm bảo được nhu cầu trao đổi chất của rong, đồng thời còn có thể sản sinh ra lực nổi, làm cho lá rong nổi lên hoặc đứng thẳng trong nước, như vậy, nó có khả năng cân bằng lực để thích hợp với môi trường nước.
Chúng ta còn thấy trong cơ thể rong thường có màng ngăn cách, đây là một bộ phận thuộc cơ quan khí khổng. Ngoài tác dụng thông khí, phòng bị nước, chống đỡ… nó còn là nơi cất giữ chất dinh dưỡng và trao đổi chất trong thời gian ngắn.
Cấu tạo thân yếu
Toàn bộ thân rong cảnh đều chìm trong nước, thân không cần cứng và mạnh để thích nghi với môi trường.
Cơ quan thoát nước phát triển
Trải qua sự thuần hóa của con người, rong cảnh tuy vẫn sống trong môi trường nước nhưng hàm lượng nước quá nhiều cũng có hại cho cây. Khi khí áp bên ngoài quá thấp hoặc tác dụng thoát hơi giảm đi, rong cảnh sẽ thải lượng nước thừa trong cơ thể ra ngoài nhờ cơ quan thoát nước; đồng thời, có thể làm cho nước và muối khoáng vận chuyển từ rễ lên lá.
Bộ rễ kém phát triển của rong cảnh
Do tế bào biểu bì của các bộ phận trên thân rong đều có thể trực tiếp hút nước và các nguyên tố dinh dưỡng từ môi trường nước, nên chức năng hấp thu của bộ rễ cũng kém đi, do đó bộ rễ cũng kém phát triển, bộ rễ không được xum xuê và thường thiếu long hút, nó chỉ có tác dụng cố định thân cây.
Đặc điểm phát tán của phấn hoa
Do tính đặc thù của môi trường nước cho nên, để thỏa mãn nhu cầu phát tán phấn hoa, các loại rong đã sinh ra những đặc tính thích ứng riêng biệt. Đa số các loại rong như: cỏ đắng, rong đen, cỏ kim ngư, cỏ thân mềm… đều có cơ quan sinh sản hữu tính đặc thù, khiến cho chúng có thể thích ứng với việc dùng nước làm trung gian để phát tán phấn hoa.
Sinh sản sinh dưỡng
Rất nhiều loại rong cảnh có khả năng sinh sản sinh dưỡng mạnh, như cỏ kim ngư, cỏ từ, rong đen…, sau khi chúng đứt ra thành từng đoạn, mỗi đoạn lại có thể phát triển thành một cá thể mới. Cũng như cỏ đắng, tảo tồ… chúng chìm dưới nước trong mùa đông, hình thành nên những mầm đông và đến mùa xuân sang năm lại nảy nở thành những thân cây mới. Còn những loài rong cảnh quý hiếm thì có thể tiến hành nuôi dưỡng tế bào. Do chúng có đặc điểm sinh sản vừa nhanh vừa nhiều, nên có lợi cho việc duy trì nòi giống, phòng ngừa thoái hóa giống và lai giống.
Trích từ sách “Rong cảnh thưởng thức và nuôi dưỡng”.