Đã từ lâu cá Tứ Vân là sự lựa chọn của nhiều người khi cá thân hình nhỏ nhắn, bơi lội hoạt bát và có sức khỏe tốt trong nhiều điều kiện nước. Màu sắc của cá đặc biệt và rất đẹp trong hồ thủy sinh, nên rất phổ biến khi nuôi thành bầy.
Cá Tứ Vân xuất hiện
Cá Tứ Vân – Cá Xecan hay còn được gọi với cái tên khác là cá Đòng Đong Bốn Sọc, chúng có tên khoa học là Puntius Tetrazona, là một loài Cyprinidae nhiệt đới. Trong tự nhiên, cá Tứ Vân thường được phân bố và xuất hiện nhiều nhất ở Malaysia, Campuchia, Thái lan, Indonesia và Việt Nam.
Cá Tứ Vân có thân hình hình ovan, kích thước tối đa của chúng khoảng từ 4 – 10 cm. Chúng có một thân hình nhỏ, màu sắc vô cùng độc đáo và nổi bật. Màu trên thân cá có từ màu bạc đến vàng nâu, xanh.
Điểm đặc trưng nhất của loài là có bốn sọc đứng, cũng vì lý do đó mà chúng có cái tên là Tứ Vân. Chủ yếu chính là các sọc đứng màu đen, chúng có điểm độc đáo nữa chính là phần góc vi và mũi có màu đỏ, nhìn rất đáng yêu.
Chúng thường có tập tính sống theo đàn và rất hiếu động, chính vì vậy chúng rất hay bắt nạt những loài cá có kích thước nhỏ hơn chúng.
Tập tính ăn uống của cá Tứ Vân
Cá Tứ Vân ăn tạp, chính vì vậy nguồn thức ăn của chúng rất dồi dào và phong phú. Bạn có thể chuẩn bị cho chúng các dạng thức ăn khô dạng cám, dạng viên có kích thước vừa với miệng của chúng. Ngoài ra, để cho nguồn thức ăn của chúng thêm phần phong phú, giúp chúng phát triển một cách tốt hơn thì bạn cũng nên thêm vào danh sách thực đơn một số loại thức ăn khác như:
- Động vật tươi sống như giun, bo bo, artemia,…
- Thức ăn đông lạnh, các loại tảo hay những loại thực phẩm có khả năng kích thích tạo màu, giúp cho cá có thêm những màu sắc rực rỡ và nổi bật hơn.
Sinh sản ở cá Tứ Vân
Để nhận biết và phân biệt cá đực với cá cái không phải là một việc quá khó khăn. Thông thường, cá cái sẽ có kích thước to hơn cá đực cùng lứa tuổi. Cá cái có bụng tròn hơn, vây lưng màu đen, vây bụng màu đỏ nhạt bình thường trong khi cá đực có mũi màu đỏ sáng, sặc sở hơn bình thường, vây lưng có một đường đỏ sáng.
Cá Tứ Vân có hình thức sinh sản là đẻ trứng.
Cá có độ tuổi từ 6 – 7 tuần tuổi đã được xem là trưởng thành và có khả năng sinh sản. Lúc đó chiều dài tối đa của chúng có thể là 2-3 cm.
Cá Tứ Vân đẻ trứng dính, chính vì vậy bạn nên chuẩn bị một số cụm cây thủy sinh trong hồ để cho chúng làm ổ đẻ và có nơi để ẩn nấp. Mỗi lần chúng có thể đẻ từ 200 – 700 trứng, chúng thường đẻ vào sáng sớm bởi khi đó nhiệt độ nước thường hạ xuống tháp hơn. Người nuôi nên cân đối lượng nước cũng như kích thước bể phù hợp để có không gian và môi trường cho cá sinh sống, cứ khoảng 80 lít nước sẽ thích hợp cho một cặp cá bố mẹ sinh sản.
Cách để cho cá sinh sản:
- Có thể kích thích sinh sản, bạn nên chọn một cặp cá bố mẹ được xem là thành thục và hạ nhiệt độ xuống khoảng 25oC.
- Cá Tứ Vân có hình thức thụ tinh ngoài, khi cách ly cá bố mẹ khoảng 2 ngày mà thấy cá cái đẻ trứng thì bắt đầu thả cá đực vào.
- Vì cá bố mẹ có tập tính ăn trứng, vì vậy sau khi nhận thấy cá bố mẹ không còn rượt đuổi nhau nữa thì chúng ta nhận biết được cá đã đẻ xong và tách riêng cá bố mẹ ra một bể khác để đảm bảo độ an toàn cho trứng.
- Cá Tứ Vân là một loài cá có thế sinh sản rất nhanh và liên tục, chính vì vậy mà sau khoảng 2 tuần cá bố mẹ đã có thể tiến hành sinh sản lần tiếp theo.
Cách ấp trứng hiệu quả:
- Sau khi tách cá bố mẹ ra khỏi khu vực ấp trứng, chúng ta tiến hành nâng dần nhiệt độ nước lên 26 – 28oC.
- Chúng ta cần loại bỏ những quả trứng bị coi là hỏng ra ngoài, những quả trứng này có màu trắng đục.
- Sau khoảng 48 giờ, trứng sẽ bắt đầu nở.
Nuôi cá bột:
- Sau khi nở cá con có màu trong suốt, chúng ta chỉ có thể nhận thấy 2 chấm đen ở phần đầu đó chính là mắt của chúng.
- Cá con vẫn còn rất yếu và chưa có khả năng ăn thức ăn nên chúng ta cũng chưa nên cho chúng ăn vội, sau khoảng từ 3 – 5 ngày mới bắt đầu cho chúng học ăn.
- Khi nhận thấy cá con đã có thể bơi lội một cách tự do, chúng ta cần phải cho chúng ăn ngay sau đó. Tuy nhiên do cá còn quá nhỏ nên miệng của chúng cũng rất nhỏ. Lúc này chúng ta chỉ nên cho chúng ăn thức ăn dạng cám, bo bo, artemia dành riêng cho cá con mới nở.
- Khi lớn dần chúng sẽ thích ăn những loại động vật bơi lội trong nước hơn. Sau đó có thể cho ăn các loại động vật thủy sinh lớn hơn, cỡ con mồi lớn dần theo cỡ miệng của cá.
- Tầm khoảng 3 – 4 tuần tuổi sau khi chăm sóc tốt cá con đã có thể ăn thức ăn của cá trưởng thành, lúc này ta nên cho chúng ăn thêm nhiều loại khác để chúng được phát triển một cách tốt hơn.
Tuy nhiên số lần cho ăn trong ngày cũng không nên quá nhiều, khi mới bắt đầu cho ăn bạn nên cho ăn 1 lần trong ngày, sau đó tăng dần 2 – 4 lần/ngày.