Hầu hết, các loài cá đẻ con có nguồn gốc ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, một số được phát hiện ở châu Á. Chúng rất được ưa chuộng trên thị trường, vì có màu sắc đẹp và đa dạng, mà còn do những đặc tính khác như dễ nuôi, dễ cho sinh sản, có sức chịu đựng cao về môi trường và thời tiết. Thức ăn chủ yếu của chúng là ấu trùng muỗi (lăng quăng), nhưng cũng ăn các thức ăn khác. Một số loài trong nhóm này chuyên ăn tảo, rong (thực vật) hoặc côn trùng,…
Hiện nay, chúng ta thấy trên thị trường có nhiều giống cá Bảy màu, cá Kiếm, cá Vây buồm, cá Hắc kim,… có hình dạng và màu sắc đẹp tuyệt vời so với bình thường. Đó là kết quả của phương thức lai tạo theo ý muốn của các nhà chuyên môn, một kiến thức mà các nhà nuôi cá tài tử lẫn chuyên nghiệp phải nắm vững về đặc tính sinh sản của chúng.
Chúng ta biết rằng: phôi thai của loài động vật có vú được gắn chặt với mẹ nó qua nhau và cuống rún, thức ăn, oxy được đưa qua nhau và cặn bã được thải ra. Tuy rằng nhiều loài cá đẻ con thuộc họ cá Ăn muỗi (Poeciliidae) có sự cấu tạo đơn giản nhất trong sự hình thành sinh sản. Chúng rất dễ phối sống, cá đực có vây hậu môn cấu trúc có thể biến đổi dài ra và thụt vào, được gọi là gonopodium, có nghĩa là vây giao cấu. Từ đó, tinh dịch truyền vào bộ phận sinh dục của cá cái.
Một đặc tính quan trọng khác của loài cá đẻ con khác với động vật có vú là: các tế bào tinh dịch được giữ lại và sống trong cơ thể cá cái trong nhiều tháng. Do đó, chỉ cần một lần giao phối, cá cá có thể đẻ tới 8 lứa (trừ ra các loài cá trong họ Goodei (Goodeidae)). Như vậy, nhà nuôi cá nào muốn sản xuất ra một chủng loại “siêu đẹp” đều phải hết sức cẩn thận rằng: Nếu cho cá cái giao phối với một cá đực không được chọn lựa kỹ càng, sẽ có hậu quả là nhiều đàn cá con ra đời trong một thời gian dài đều không được đẹp.
Sau đây là cách thức các nhà nuôi cá chuyên nghiệp tuyển chọn và cho sinh sản các loài cá đẻ con để được giống cá tốt như ý:
Con cháu của một cặp cá đẹp nhất được chọn lựa kỹ lưỡng. Khi vây hậu môn cá đực bắt đầu nhọn lồi ra, (dấu hiệu của sự trưởng thành sinh sản) chúng được tách ra khỏi đàn. Cá cái lớn và mạnh khỏe nhất trong đàn được giữ lại làm cá giống. Đến khi những con cá cái “đồng trình” này trưởng thành sẽ được cho phối giống với cha của chúng.
Đàn cá con được sinh sản từ kỳ phối giống này lại được lựa chọn trước khi cá đực bắt đầu trở nên thành thục sinh sản. Tiếp tục nuôi riêng những con cá cái được tuyển chọn từ kỳ phối giống này và lại cho phối giống với ông của chúng, và cứ như thế cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.
Kết quả có thể là một chủng loại cá sặc sỡ lớn hoặc nhỏ con riêng biệt. Nếu cá ông nội bị già yếu đi, một hay nhiều cá đực con cháu có thể thay thế, miễn là chúng tạo ra những đặc điểm như điều bạn muốn lựa chọn.
Điều quan trọng ở đây là loại ra một cách không thương tiếc những con cá không được ưa chuộng và ra vài loài đẹp mắt.
Trong một hồ nuôi lẫn lộn các loài cá khác nhau, loài cá đẻ con dễ dàng tìm thấy nhau và giao phối. Cá cái bắt đầu hình thành phôi thai trong bụng khoảng 3 – 4 tuần lễ và đẻ ra cá con. Khi cá cái có bụng nặng to là dấu hiệu sắp trở thành cá mẹ, nó cần được tách nuôi riêng vào hồ đủ rộng và không có nhiều sự quấy rầy. Tùy theo chủng loại, tầm cỡ và sức khỏe, mỗi lứa cá cái có thể đẻ từ 10 – 200 cá con. Cá mẹ thường đẻ từ đợt, mỗi đợt đẻ khoảng vài con rồi lại nghỉ cho đến khi đẻ xong. Thời gian kéo dài từ vài tiếng đến một buổi trong ngày.
Đối với loài cá đẻ con, hồ nuôi cần đủ rộng và thả nhiều rong nổi ở mặt nước để cá con mới ra đời có nơi ẩn trú. Nhiệt độ nước thích hợp khoảng 24 – 27oC. Tuy nhiên, một số loài có thể chịu được nhiệt độ dưới 20oC trong thời gian dài. Cá con mới đẻ đã bắt đầu bơi lội tự do, sau vài ngày đã tìm kiếm thức ăn. Nuôi chúng bằng các thức ăn dành cho cá bột như thảo trùng, artemia, bo bo, trùng chỉ,… Chăm sóc cá con bằng cách giữ nguồn nước luôn trong sạch, chúng sẽ rất mau lớn.
Nhiều người cho rằng, loài cá đẻ con thường ăn con của chúng, nên đã sử dụng hộp đẻ hay còn gọi là lồng đẻ. Với cách này, cá mẹ bị giữ lại trong lồng, cá con có thể bơi ra ngoài bởi những lỗ hổng và bám vào rong bèo không bị cá mẹ đuổi ăn. Tuy nhiên, điều này có thể làm cá mẹ sợ hãi bởi sự giam cầm. Tốt hơn hết, nên vớt cá mẹ ra khỏi hồ khi nó vừa đẻ xong hoặc tách riêng cá con sang hồ khác để nuôi. Hồ nuôi các loài cá đẻ con nên pha thêm muối vào nước với tỷ lệ một muỗng cà phê muối cho 10 lít nước sẽ rất tốt cho sức khỏe của cá.
Nhóm cá đẻ con bao gồm 4 họ chính sẽ được lần lượt mô tả một số loài tiêu biểu theo thứ tự dưới đây:
- Họ cá Bốn mắt (Anablepidae).
- Họ cá Goodei (Goodeidae).
- Họ cá Mỏ kìm (Exocoetidae).
- Họ cá Ăn muỗi (Poeciliidae).
Trong bốn họ trên, thị họ cá Goodei có sự sinh sản khác hơn, nghĩa là các loài cá trong họ này chỉ sinh sản sau mỗi lần giao phối.
Phần trình bày mỗi loài cá sẽ được sắp xếp theo thứ tự trong họ và được mô tả tuần tự về tên gọi bao gồm tên tiếng Việt, tên gốc La Tinh và tên Anh, kế đến là nguồn gốc, hình dạng, kích cỡ và sự sinh sản để các bạn tiện theo dõi, đồng thời tránh lặp lại nhiều lần về những đặc tính chung của chúng.