Chúng là một trong những loài cá cảnh đẹp nhất bởi màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, được nhiều người nuôi cá cảnh yêu thích, đặc biệt hơn nữa là chúng có sức khỏe tốt. Và tên khoa học của chúng là Colisa lalia, ở Việt Nam hay gọi chúng là cá Sặc Gấm và cá Sặc Lửa.
Đặc điểm sinh sống của cá Sặc Gấm
Ngày nay chúng phổ biến khắp nơi trên thế giới do khả năng sinh sản nhanh và đa dạng về chủng loại, nhưng nguồn gốc của chúng là từ ao hồ, đầm lầy vùng Đông Bắc Ấn Độ, Bangladesh và một vài nước thuộc vùng Nam Á.
Chúng có màu sắc sặc sỡ hơn các loài cá sặc khác. Thân cá có hình oval, màu xanh pha nâu, trên mình có những dãy điểm màu xếp thành từng đôi, gồm những điểm xanh lam, lục hay đỏ, xiên và hẹp làm cho cá có vẻ như có vạch, trông chúng như sáng lấp lánh phát sáng dưới ánh đèn hồ cá. Khi trưởng thành cá Sặc Gấm sẽ có chiều dài 8.8cm.
Thời gian sống của cá Sặc Gấm
Đây là loài cá dễ nuôi, sống khỏe, ít bệnh tật có tuổi thọ khá cao. Với điều kiện tốt, chúng có thể sống đến 5 năm trong hồ kính; còn với hồ ngoài trời, diện tích rộng hơn, ánh sáng và điều kiện sống tốt hơn, chúng có thể sống đến 10 năm.
Cá Sặc Gấm có hung dữ không
Chúng là loài cá hiền lành, có thể nuôi chung với các loài cá nhỏ khác, tạo sự phong phú cho hồ cá của bạn.
Có thể nuôi chung với hầu hết các loài cá nhỏ như bảy màu, neon, thần tiên, mún, đuôi kiếm hay sóc đầu đỏ,…
Điều kiện nước để nuôi cá Sặc Gấm
Môi trường nước là vấn đề quan trọng nhất đối với việc nuôi cá cảnh. Bạn phải đảm bảo môi trường nước luôn sạch, không bị ô nhiễm, đảm bảo độ pH an toàn cho chúng.
Trung bình nên thay nước mỗi 1 – 2 tuần, vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo môi trường tốt nhất cho chúng. Lưu ý, bạn chỉ nên thay ¼ lượng nước trong hồ để tránh gây sốc cho cá hay dẫn đến việc chết vi sinh.
Nhờ có cơ quan hô hấp phụ nên chúng chịu được ngưỡng Oxy thấp, thường lên mặt nước lấy không khí trực tiếp nên bạn có thể sục khí thêm hoặc không đều được.
Độ pH an toàn cho cá là 6 – 8, độ cứng nước thích hợp là 5 – 20.
Nhiệt độ nước
Bạn nên theo dõi nhiệt độ nước trong hồ của chúng để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho chúng, để tránh việc sinh bệnh hoặc chết. Nhiệt độ nước để cá Sặc Gấm sống tốt là từ 25 – 30oC. Đối với những vùng vào đợt hè nắng nóng, chúng ta có thể để hồ cá ở những nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ quá cao làm cá bị sốc và chết.
Thiết kế hồ cho cá Sặc Gấm
Có thể nuôi chúng trong hồ kính, hồ xi măng,… Cá khỏe và lên màu đẹp nhất là trong hồ có nhiều cây thủy sinh với một ít thực vật nổi như bèo tạo nơi trú ẩn và đẻ trứng cho cá. Hồ cần có nắp đậy, nhiều ánh sáng và không gian rộng rãi cho chúng bơi lội.
Thức ăn của chúng
Cá Sặc Gấm là loài cá ăn tạp. Nên cho chúng ăn trùn chỉ, loăng quăng, ấu trùng muỗi đỏ, tôm, tép nhỏ và thức ăn viên. Tuyệt đối không nên cho chúng ăn thức ăn bị hư, lên mốc, và cũng không nên cho chúng ăn quá nhiều gây thừa thức ăn dẫn đến ô nhiễm môi trường nước.
Trong trùn chỉ thường hay lẫn các nguồn bệnh nguy hiểm như sán, đĩa,… Vì vậy cần kiểm tra kỹ bằng cách lọc, khử trùng trước khi cho ăn để tránh gây bệnh cho cá.
Sinh sản ở cá Sặc Gấm
Con đực có nhiều sọc hay hoa văn, màu sắc sặc sỡ hơn con cái. Ngoài ra vây lưng của con đực nhọn, kéo dài đến tận đuôi và cao hơn, vây bụng đỏ hơn. Trong mùa sinh sản, con đực có những đám màu xanh chàm ở cổ họng và bụng, vây bụng có màu da cam.
Chúng trưởng thành sau 5 tháng tuổi và sinh sản vào mùa mưa. Điều thú vị là cá đực làm tổ bằng bọt khí và thực vật nổi ở mặt nước như bèo, lá súng, sen,… Cá cái đẻ trứng vào tổ, cá đực sẽ ấp và giữ trứng. Sau khi cá cái đẻ xong thường bị cá đực rượt cắn (có khi tới chết), nên cần phải vớt cá cái ra riêng. Đến ngày thứ 4 có thể tách cá đực nuôi riêng, hoặc tách tổ trứng sang hồ ấp mới, không cần cá đực chăm sóc nữa.
Cá cái mỗi lần đẻ khoảng 800 – 1500 trứng, và có thể đẻ lại sau 2 – 4 tuần tùy thuộc vào dinh dưỡng, chế độ chăm sóc của người nuôi.
Sau 5 ngày có thể cho cá con ăn bobo hay lòng đỏ trứng, atermia,… Trong hồ nên cho nhiều rong rêu để cá trú ngụ, cũng như để chúng ăn thêm rong, tảo bám trên rêu.